Nước có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người, có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, vận chuyển chất dinh dưỡng, cung cấp cấu trúc cho các tế bào và mô và loại bỏ chất thải.
1. Vai trò của nước
Nước là một trong những thành phần cơ bản và rất thiết yếu cho cơ thể con người để tồn tại và phát triển. Nước chiếm trung bình 60 – 70% trọng lượng cơ thể và tỷ lệ này thay đổi ở các thời kỳ phát triển khác nhau.
Nhu cầu nước theo khuyến nghị năm 2012 của Viện Dinh dưỡng như sau:
Theo độ tuổi:
– Từ 10 đến 18 tuổi: nhu cầu nước là 40ml/kg;
– Từ 19 đến 30 tuổi: hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40ml/ kg;
– Từ 19 đến 55 tuổi: hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg,
– Người trưởng thành trên 55 tuổi: nhu cầu nước là 30 ml/kg.
Theo cân nặng:
– Từ 1-10 kg nhu cầu nước là 100 ml/kg
– Từ 11 – 20 kg nhu cầu nước là: 1.000 ml + 50 ml cho mỗi 10kg cân nặng tăng lên
– Từ 21 kg trở lên nhu cầu nước là: 1.500 ml + 20ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên
Nước được đưa vào cơ thể qua 2 con đường:
- Đường tĩnh mạch: chỉ được dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.
- Đường miệng: là con đường chủ yếu, tự nhiên và xảy ra hàng ngày
Phần lớn nước được đưa vào cơ thể hàng ngày qua đường miệng
Nước đi ra khỏi cơ thể chủ yếu là nước tiểu: một người trưởng thành bình thường mỗi ngày bài tiết 1 – 1,5 lít nước tiểu, nước thấm qua da (không phải là mồ hôi) mỗi ngày 450ml, đào thải qua khí thở mỗi ngày 250 – 350 ml. Ngoài ra nước còn bài tiết theo niêm dịch đường hô hấp, đường tiêu hóa qua phân, đường sinh dục, kinh nguyệt, tinh dịch với số lượng không lớn.
Bài tiết mồ hôi, tuy chỉ xảy ra khi thời tiết nóng, lượng mồ hôi bài tiết rất lớn: 2 – 3 lít/giờ và đặc biệt có thể tới 3 – 3,5 lít/giờ, có thể gây ra những rối loạn do thiếu nước. Bài tiết mồ hôi còn có một chức năng quan trọng là điều hoà thân nhiệt.
2. Uống nước đúng cách trong điều trị sỏi tiết niệu
Trước hoặc sau phẫu thuật sỏi đường niệu thì biện pháp nội khoa là cần thiết, trong đó uống đúng cách và đủ nước đóng vai trò quan trọng để đào thải vụn sỏi nhỏ, hòa loãng các tinh thể trong nước tiểu để tránh lắng đọng để sỏi hình thành và tăng kích thước hoặc tái phát sỏi. Vì vậy để uống nước có hiệu quả, bạn cần biết một số lưu ý quan trọng sau:
- Hàng ngày, ngoài công thức tương đối như trên và khó nhớ thì bạn cần lưu ý là uống từ 2 – 2,5 lít nước/ ngày, lượng nước trong cơ thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ vận động nhiều hay ít, môi trường làm việc nóng hay lạnh.
- Số lần uống nước được chia ra làm nhiều lần, từ 8 đến 10 lần. Tuyệt đối không “uống dồn” tức là uống số lượng lớn trong 1 lần, theo khuyến cáo thì không nên uống quá 300 – 400ml/ lần, nếu uống số lượng lớn trong thời gian ngắn còn có nguy cơ ngộ độc nước, đây là bệnh lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng tính mạng.
Uống nước đúng cách là biện pháp hiệu quả để điều trị sỏi tiết niệu
- Trước khi đi ngủ khoảng 2 -3 tiếng bạn cần hạn chế uống nước để không phải thức dậy ban đêm để đi tiểu, còn tất nhiên nếu bạn khát thì có thể uống 1 – 2 ngụm nước là bình thường.
- Việc theo dõi cơ thể có đủ nước hay không rất quan trọng, bạn hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp tương đối chính xác là qua màu sắc nước tiểu. Bình thường nước tiểu có màu trong hoặc ánh vàng, còn khi nước tiểu màu vàng đậm, vàng sẫm hay màu như nước vối đặc là đã thiếu nước nhiều rồi (loại trừ các bệnh lý gan mật, uống thuốc có chứa chất tạo nước tiểu màu vàng..).
- Bạn cần duy trì màu sắc nước tiểu bình thường.
- Nước uống có thể là tất cả các loại nước sạch, từ nước lọc, nước đun sôi, nước lá. Tuy nhiên nếu uống nước lọc trong thời gian dài sẽ dễ gây “ngán”, từ đó sẽ lười uống nước và sẽ dẫn tới thất bại. Bác sĩ khuyến cáo bạn có thể chế biến một số loại nước cho dễ uống như: nước đỗ đen, nước râu ngô, linh chi, nấm lim, xạ đen, kim tiền thảo, lô hội…
- Không nên uống các loại nước có chứa nhiều chất khoáng, nước ngọt trong thời gian dài.
- Điều quan trọng nhất là với mỗi trường hợp cụ thể bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn để cho lời khuyên xác đáng, nhất là với người có bệnh lý nền kèm theo như: bệnh tim, bệnh thận, bệnh tăng huyết áp… hay đang có tình trạng ứ trệ đường bài xuất đường tiết niệu.
(Theo ThS., BS. Trần Thanh Hùng – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long)